Cuba duy trì độc quyền sản xuất xì gà
Đây là thông tin được đại diện Cuba khẳng định tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Cuba do Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba diễn ra sáng ngày 4/9 tại Hà Nội.
Hội thảo do Bộ Xây dựng tổ chức với tư cách là cơ quan thường trực phía Việt Nam của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cuba để thực hiện các cam kết trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban liên Chính phủ.
Quy trình trồng, sản xuất xì gà tại Cuba được duy trì độc quyền theo phương thức truyền thống để đảm bảo đặc trưng của sản phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá cao hoạt động của Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca Diaz trực tiếp giới thiệu về những chính sách mới trong đầu tư tư ngoài tại Cuba; chính sách ưu đãi đầu tư tại Đặc khu phát triển Mariel.
Đây một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện chương trình nghị sự song phương trung hạn Việt Nam – Cuba mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư Nước ngoài Cuba đã ký hồi tháng 3/2014 trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Tôi hy vọng rằng với hàng loạt các chính sách đổi mới nhằm thực hiện chủ trương “cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba” sẽ tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Cuba, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Việt Nam” – ông Hùng nói.
Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba nêu rõ chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài là một nhận thức quan trọng để thay đổi kinh tế và cải thiện đời sống người dân củ Cuba với việc tăng cường nguồn vốn đầu tư để gia tăng sản xuất trong nước. Ông Rodrigo Malmierca Diaz đề cập thực tế, những năm qua, kinh tế Cuba chỉ đạt tăng trưởng 2-3/năm. Các nghiên cứu đếu cho thấy để Cuba đạt mức phát triển theo nhu cầu đảm bảo đời sống người dân, mức tăng trưởng trung bình cần đạt phải 6-7%. Để đạt được điều này, tỷ lệ tích luỹ vốn phải đạt hơn 20% trong khi con số này hiện tại chỉ là 12%.
Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm trong nước không đủ cung cấp nguồn lực để phát triển trong nước và sử dụng hết nguồn tiết kiệm ít ỏi đó cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các nguồn vay tài chính dài hạn khác đến từ bên ngoài cũng rất khó khăn để nhận được do chính sách cấm vận của Mỹ.
>>Xem thêm : Xì gà Cuba từng là “trái cấm” với người Mỹ
Vì vậy, việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài thông qua hoạt động đầu tư là một kênh quan trọng đối với Cuba. Ngoài hướng hợp tác đầu tư, Cuba cũng quan tâm đến hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Công bố nhiều lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư vào Cuba rất tiềm năng như nông – lâm nghiệp, chế biến lương thực, du lịch, khách sạn, sân golf, công nghệ sinh học, vận tải, xây dựng… nhưng Bộ trưởng Rodrigo Malmierca Diaz cũng thẳng thắn liệt kê danh mục những lĩnh vực Cuba vẫn duy trì sản xuất độc quyền nhà nước.
Theo Hiến pháp của Cuba, đất đai thuộc sở hữu nhà nước, không được mua bán, chuyển nhượng. Lĩnh vực sản xuất cây xì gà và cuốn xì gà cũng không chấp nhận đầu tư nước ngoài vì đây là ngành nghề truyền thống của Cuba và công việc này chủ yếu làm thủ công…
Bộ trưởng Công nghiệp và Đầu tư nước ngoài Cuba cũng thông tin cụ thể về những khó khăn trong môi trường đầu tư tại Cuba, trong đó có chính sách cấm vận tài chính của Mỹ, tình trạng nợ nước ngoài của đất nước và hệ quả của những sai lầm Cuba đã mắc phải trong quá khứ.
>>Xem thêm :Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xì gà, rượu rum Cuba
Tuy nhiên, môi trường đầu tư tại đây cũng có những thuận lợi khi hệ thống pháp lý an toàn, minh bạch; hạ tầng đã phát triển tương đối ở tất cả các vùng miền; nhân sự phục vụ lĩnh vực đầu tư nước ngoài có trình độ cao, có thể hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư một cách nhanh chóng; nền chính trị của Cuba cũng ổn định, an ninh tốt đối với người nước ngoài…
Đại diện nhiều DN của Việt Nam từng có hoạt động đầu tư, hợp tác tại Cuba như Hanel, Viglacera… đặt nhiều câu hỏi quan tâm về chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi nhập trang thiết bị, ưu đãi giao đất thực hiện dự án, chuyển ngoại tệ về nước… nếu hoạt động tại Cuba…
Theo bà Yanet Vazquez Valdes, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng phát triển đặc khu Mariel cho biết, chế độ thuế ưu đãi áp dụng tại đây phổ biến là miễn các loại thuế: thu nhập cá nhân từ cổ tức hoặc lợi nhuận kinh doanh; thuế nhập khẩu các loại thiết bị, máy móc, phương tiện trong quá trình đầu tư; đóng góp vào địa phương... Ngoài ra, thuế sử dụng hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cũng được giảm 50% trong thời gian thu hồi vốn đầu tư; miễn thuế lợi tức trong 10 năm đầu và có thể gia hạn, sau đó là 12%.
Bên cạnh đó, Mariel là khu vực có vị trí địa lý thuận lợi cho các hoạt động lưu thông hàng hoá và tập trung lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, hạ tầng cơ bản đồng bộ... Cùng đó, hệ thống thủ tục một cửa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với quá trình phê duyệt nhanh, an toàn pháp lý…